Tông đồ của Lời Chúa
Cha Alberione đã thấu hiểu tầm quan trọng của Lời Chúa ngay từ những năm còn là chủng sinh, trong “trường học” của thánh Tông đồ Phaolô, là đấng “được dành riêng” cho Tin Mừng và được sai đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc. Cha viết: “Có lần trong những giờ chầu Thánh Thể, tôi nhận được một ánh sáng rất rõ rệt liên quan đến kho tàng quý giá mà Chúa Giêsu muốn ban cho Gia đình Phaolô, ấy là việc loan báo Tin Mừng.” Trong ánh sáng ấy, Cha Alberione hiểu được ba điều:
- Tin Mừng kết hợp với giáo lý phải đi vào mọi gia đình;
- Tin Mừng phải được giải thích theo ý Giáo Hội — vì vậy, phải có những chú thích mang tính giáo lý ở cuối mỗi trang: tín lý, luân lý và phụng vụ.
- Tin Mừng phải được tôn kính cách đặc biệt, phải được giữ gìn cách kính trọng; và việc giảng thuyết—hơn là những gì đã và đang được thực hành—phải trao ban Lời Chúa và phải được mô phỏng theo Lời Chúa.
Trên hết, Tin Mừng phải được sống trong trí óc, trong trái tim và trong hành động. Đau lòng khi nhận thấy Tin Mừng ít được người ta đọc vào thời điểm lúc ấy, và Tin Mừng— “sách của Thiên Chúa, sách của con người”—vẫn còn xa lạ, không chỉ với các Kitô hữu, mà còn với cả hàng giáo sĩ và giới tu sĩ, Cha Alberione đã bắt đầu công việc truyền bá Sách Thánh và Tin Mừng, với sự trợ giúp của các sinh viên trong chủng viện.
Mỗi năm, vào dịp lễ Thánh Cêcilia, Cha Alberione đều ngừng lại để suy ngắm những lời ghi trong phụng vụ về lễ này: “Trinh nữ Cêcilia luôn mang theo Tin Mừng của Đức Kitô trên trái tim của thánh nữ…” Cha cũng đã mang theo Tin Mừng này trong suốt cuộc đời cha. Và chương trình quan trọng này đã sinh nhiều hoa trái dồi dào cho các con cái của cha. Cha viết cho họ như sau: : “Sự phổ biến Thánh Kinh phải là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất trong tất cả các hoạt động tông đồ của chúng ta”.
“Chúng ta được sinh ra từ Lời Chúa, cho Lời Chúa và trong Lời Chúa. Vì thế, chúng ta phải chắc chắn rằng tất cả những sách, phim, truyền hình, ghi âm, v.v… của chúng ta sẽ luôn là và chỉ là một sự nối dài, một tiếng vọng lại, một sự tiếp tục, một sự toả sáng của Kinh Thánh, mà đặc biệt là của Phúc Âm”. Thánh Phaolô là người hướng dẫn của chúng ta về điểm này.