Thursday, August 25, 2022

Chúa Giêsu Thánh Thể

Chúa Giêsu Thánh Thể chính là nguồn mạch và là tâm điểm công việc tông đồ của Cha Alberione. Ở đây chứa đựng lời giải thích duy nhất về hoa quả sum sê của cha. Không có Thánh Thể, việc tông đồ không thể sinh hoa kết quả.

“Con được sinh ra từ Thánh Thể.” Với những ngôn từ giản dị và rõ nét, Cha Alberione đã thuật lại giấc mơ mà cha đã gặp “trong lúc hết sức khó khăn.” Thầy Giêsu đã nói với cha: “Đừng sợ. Ta ở với con. Từ đây Ta muốn chiếu sáng. Hãy sống đời sám hối.” “Cụm từ  ‘từ đây’ đến từ Nhà Tạm, rất mạnh mẽ như là để cha hiểu rằng mọi ánh sáng phải được đón nhận từ Thầy Giêsu.”

Vì lý do này, Cha Alberione không muốn Chúa Giêsu ở lại một mình trong các nhà thờ của dòng Phaolô. Đó là lý do tại sao hết thảy các thành viên của Gia đình Phaolô phải tôn thờ bí tích Thánh Thể nhiều giờ, tùy vào những quy luật của các Hội dòng. Vì lý do này, các chị dòng Nữ Môn Đệ đặc biệt chầu Thánh Thể hai giờ đồng hồ mỗi ngày. Không có tu sĩ Phaolô nào được phép mải mê công việc mà bỏ quên đi điều thiết yếu. Cha Alberione đã lưu ý đến lời cảnh cáo của Thánh Kinh: “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công.”

Bản thân cha là bậc thầy của việc chầu kính Thánh Thể và của đời sống Thánh Thể, hằng ngày trung thành với 2 tiếng cầu nguyện trước Nhà Tạm: “Gia đình Phaolô được sinh ra từ Nhà Tạm. Các con được sinh ra từ Thánh Thể và Chén thánh…. Bao lâu các con trung tín với nguồn mạch này mà từ đó các con được sinh ra, các con sẽ có ân sủng và sự sống.”

Share:

Wednesday, August 24, 2022

Những ân ban của Thiên Chúa

Cha Alberione suốt cả cuộc đời đã tôn nhận thánh Tông Đồ Phaolô không chỉ làm người bảo trợ và thầy dạy, mà còn là kiểu mẫu, một kiểu mẫu được quý chuộng bởi vì thánh nhân được Thiên Chúa ban cho những ân sủng hết sức đặc biệt.

Như Thánh Phaolô, duy một lần ám chỉ đến những ân sủng này khi ngài viết, dường như để tự biện minh cho việc được đưa lên tầng trời thứ ba, thì cũng vậy, Cha Alberione đã viết một cách e dè rằng “dường như bị Thiên Chúa nài ép phải nhận lấy một số ân sủng đặc biệt.”

Như Thánh Phaolô đã xem thấy Thiên Chúa và đã nói về Ngài, thì cũng vậy, Cha Alberione đã từng có một huyền bí xảy đến trong cuộc đời của Cha. Cha đã gặp thấy Thầy Chí Thánh và thưa chuyện với Ngài.

“Tôi đã thấy Chúa.”

Cũng vậy, để hỗ trợ người Tôi Tớ Chúa trong vô số thử thách mà Cha đã phải chịu vì lòng yêu mến Giáo Hội và các dân tộc, Chúa Kitô đã nói những lời đầy ánh sáng và an ủi này:

“Từ đây Ta muốn chiếu sáng.” Cũng thế, Cha đã nhìn thấy và thưa chuyện với Đức Trinh Nữ Maria. Cha đã thuật lại giấc mơ vào thiên đàng của Cha sau này. Sau Công đồng, Cha đã nói một cách rõ rệt: “Đức Maria đã nói với tôi: ‘Giờ đây hãy làm cho Mẹ được nhận biết với tước hiệu Mẹ Ân Sủng, Đấng Trung Gian của mọi ân sủng cho toàn vũ trụ.’”

Cha Alberione luôn lẩn tránh những gì có thể tiết lộ những ân sủng này. Cha sử dụng chúng cho con cái Cha trong một cách thế hết sức giới hạn, để bản thân họ chỉ có thể phỏng đoán hơn là biết chắc. Cha chỉ nói với họ những gì Cha tin là tuyệt đối cần thiết để giúp họ kiên vững trong ơn gọi và bảo đảm rằng Thiên Chúa ở với họ nơi người mà Chúa chọn nhằm hướng dẫn họ.

Cũng như nhờ Thánh Phaolô, Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ phi thường – như đọc thấy trong sách Công vụ Tông đồ – thì cũng vậy, nhờ bởi đời sống của Cha Alberione, Thiên Chúa cũng đã làm những điều kỳ diệu. Tuy nhiên, Cha Alberione mong muốn những điều này luôn được giữ kín, dù cho đó là những điều hết sức bình thường.

Có lần một trong những môn sinh của Cha ở Genoa đặt vấn đề:

“Nhưng thưa Cha, Cha biết là con đang phân vân, vì mọi điều Cha nói với con – và không chỉ cho riêng con, nhưng cho tất cả chúng con – đã xảy ra, đã thực sự xảy ra hay không?”

Cha Alberione trả lời: “Cha không bao giờ tự mình nói với con điều gì, không bao giờ theo ý riêng Cha.” Và Cha đã khẳng định lại điều này khi viết: “Hãy nhớ rằng thậm chí từ những điều rất nhỏ mọn, như cách phân chia và trao phó cho các con, thì không phải là ý muốn của con người, mà là ý muốn của Thiên Chúa.”

Khi có thể thu thập lần cuối tất cả những bằng chứng của những con trai và con gái của Cha Alberione có liên quan đến vấn đề này, chúng tôi sẽ có một chương bàn về cuộc đời của Cha mà không ai có thể tưởng tượng được, rực rỡ như một bức tranh ghép mảnh với hàng ngàn màu sắc, biến đổi từ những miếng ghép hết sức phi thường sang những miếng ghép hết sức bình thường, nhưng không kém đi phần kinh ngạc.

Nhiều người chứng kiến về những sự kiện khác thường này hiện vẫn còn sống, và nhờ họ mà những thông tin phong phú này được góp nhặt lại.

Lúc Cha Alberione còn là một linh mục trẻ đang thi hành sứ vụ giúp mục vụ ở Narzole, thì có một phụ nữ hấp hối, mà Cha đã tới thăm viếng trong khi bà chịu bệnh, đã qua đời, và thân nhân của người quá cố đã đi gọi Cha, vì Cha đang ở bên ngoài nhà xứ. Trở về, Cha Alberione một mình đến viếng thi hài người quá cố và hỏi: “Bà muốn gì? Sao bà lại gọi tôi?”

Người chết liền mở mắt và nói chuyện với Cha. Những người trong phòng phải rời khỏi phòng và Cha Alberione một mình lắng nghe bà. Rồi Cha hỏi bà: “Bây giờ bà muốn về cõi vĩnh hằng hay muốn ở lại đây?” Bà trả lời: “Con ao ước được ở cõi vĩnh hằng.” Rồi bà bình thản chìm lại vào cõi chết.

Sự kiện này được thuật lại bởi một người lúc ấy đã sống ở Narzole. Khi chuyện này trở nên phổ biến, thì người có thể chứng nhận nhân danh mình, đã hỏi Cha Alberione xem điều này liệu đã xảy ra chăng và thực hư thế nào, Cha Alberione chỉ trả lời với những từ ngữ rõ ràng và chính xác, những từ được viết lại ngay trước sự chứng kiến của Cha: “Chắc chắn trong trường hợp ấy, Thiên Chúa đã can thiệp bằng một cách thức ngoại thường.” Cha không nói gì thêm nữa nhưng ai đã biết Cha Alberione, biết là Cha đã nói quá nhiều.

Vào năm 1922, người ta không thể đóng nắp quan tài của một chị nữ tu dòng Nữ Tử Thánh Phaolô trẻ tuổi bởi vì đôi bàn tay của chị nữ tu quá cố này được đặt ở vị trí quá cao. Và không ai có thể hạ thấp chúng xuống được. Người ta đã mời Cha Alberione đến, và Cha đã nói trước sự chứng kiến của tất cả mọi người đang hiện diện ở đó như sau: “Antoinette ơi, con đã luôn luôn vâng lời khi con còn sống; vậy con hãy vâng lời lần nữa đi. Hãy hạ thấp đôi bàn tay con xuống!” Và với cái chạm nhẹ của Cha, đôi bàn tay của chị nữ tu quá cố liền tự hạ thấp xuống.

Share:

Thursday, August 18, 2022

Việc tông đồ: làm lan tỏa Đức Kitô

Cha Alberione đã khai sinh Gia Đình Thánh Phaolô nhắm mục đích làm việc tông đồ, chính mục đích này thúc đẩy rất nhiều hoạt động qua đó Lời Chúa được trình bày trong những hình thức hiện đại.

Do đó, hoạt động tông đồ đặt nền cho tất cả các ý tưởng của Cha Albrione. Được hướng dẫn bởi thánh Phao-lô, Cha không ngừng nghiên cứu nội dung, nguồn mạch của việc tông đồ, và sức mạnh thiêng liêng cần thiết để nâng đỡ nó. Vì thế, liên quan đến bản chất của việc tông đồ, Cha Alberione nhấn mạnh ý niệm sâu sắc này việc tông đồ nhất thiết phát xuất không ngừng từ Đức Ki-tô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Điều này đòi hỏi một thái độ sống hài hòa sống động giữa chiêm niệm và hoạt động, giữa mến Chúa và yêu người.

  • Tông đồ là người mang Chúa Giêsu trong linh hồn mình và chiếu toả Người ra xung quanh mình. Tông đồ là một người thánh tích luỹ kho báu và thông truyền sự dư dật của kho báu ấy cho loài người. Tông đồ có trái tim cháy lửa mến Chúa và yêu thương mọi người; họ không thể nào đè nén hay bóp nghẹt những gì họ cảm thấy và suy nghĩ.
  • Tông đồ là bình sành được chọn để tuôn tràn hồng ân của Thiên Chúa và những linh hồn đang khao khát được uống thỏa thuê.
  • Người tông đồ là một đền thờ của Chúa Ba Ngôi, Đấng tác động cao nhất trong họ. Một tác giả viết: người tông đồ rỉ Chúa ra từ mọi lỗ chân lông của mình – từ lời nói, công việc, lời cầu nguyện, cử chỉ, thái độ, dù lúc một mình hay khi với người khác – nghĩa là từ toàn thể con người của mình.
    Hãy sống bởi Thiên Chúa! Và hãy trao ban Thiên Chúa. (UPS IV 277)

    Bao nhiều lần bạn tự hỏi mình câu hỏi lớn này: Nhân loại đang đi về đâu, họ đang di chuyển như thế nào, họ đang nhắm mục tiêu nào khi không ngừng đổi mới chính mình trên mặt đất này? Nhân loại giống như một dòng sông cả đổ vào vĩnh cửu. Họ sẽ được cứu? Hay sẽ hư mất đời đời? (SC 232)

    Chúng ta phải thừa nhận rằng có những mầu nhiệm. Nhưng một điều chắc chắn: một số người tông đồ đùn đẩy công việc đến ngày mai (slept on the job). Họ là những ai? Phải chăng đó là những người đương thời của Đức Giêsu? Không, chính là những kẻ theo sau. Nếu tất cả các tông đồ cho đến nay đều là những vị thánh, thì thế giới hẳn đã biết về tình yêu của Chúa Giê-su khá hơn rồi! Vậy thì tại sao chúng ta không kếp hợp với nhau trong tình huynh đệ của cầu nguyện và hoạt động, để ít nhất đem giáo lý và Tin Mừng đến cho mọi người? (Pr A 274).
Share:

BTemplates.com