Sunday, July 17, 2022

Không bỏ phí thời gian

Tuy nhiên, Cha Alberione không phải là loại người chỉ đứng nhìn mà không làm gì cả. Là người lao động không biết mệt, Cha Alberione đã làm và đã dạy rằng cách nghỉ ngơi tốt nhất là thay đổi công việc.

Trong một bài viết đầy sức thuyết phục của mình, Cha Alberione đã viết một bài ca rất phấn khích về lao động. Bằng một điệu văn với chuyển động mạnh dần, cha định nghĩa lao động như là một con đường dẫn tới sự hoàn thiện, đặt mọi năng lực của một người, cả những năng lực thể lý vào việc phục vụ Chúa một cách tích cực: như một sự thể hiện lời khấn khó nghèo của người tu sĩ, như một sự nâng đỡ, một nghĩa vụ xã hội, như một nguồn mạch của sự khiêm nhường và sức khỏe, như một sự bảo vệ chống lại lười biếng và cám dỗ, như một phương cách để lập công và noi gương Chúa Giêsu.

Cha tin rằng một trở ngại duy nhất có thể ngăn cản công việc hoặc làm cho nó trở thành vô ích, đó là tội lỗi.

Trong bản tin viết cho các Cộng tác viên, Cha nói: “Đối với việc tông đồ in ấn, ta có nhiều công việc để làm… Người ta gần như có thể nói rằng mọi năng khiếu và chuyên môn có thể tìm thấy sự phát triển của nó và ứng dụng của nó cho vinh quang của Chúa và bình an cho loài người. Một người có thể là nông dân, thợ máy, thợ mộc, thợ nề, thợ đóng giày, thợ làm bánh mì, tài xế, nhà sản xuất giấy, thợ thiếc, thợ điện, y tá, thợ xây, nhà điêu khắc, đầu bếp, thợ sắp chữ, thợ đúc bản in, thợ sắp chữ, một thợ in, thợ đóng sách, nhà văn, một thủ thư, hay bất cứ cái gì…

“Vậy thì có cái gì không được làm? Tội!

“Lãnh vực hoạt động tông đồ in ấn ngày nay của Dòng Thánh Phaolô quá rộng, để bằng cách này hay cách khác mọi việc tốt lành đều được bao gồm trong đó.”

Một người từng sống với Cha Alberione chứng thực rằng đời sống của Cha thật nhất quán với những lời dạy của Cha. Khi có điều gì sai trái diễn ra trong cộng đoàn, vị Sáng Lập thường khuyên mọi người đi xưng tội. Những lúc như thế cha cảm thấy đau buồn và không thể ăn uống được. Như thể sự dữ  ấy làm dạ dày cha đau nhói. Về vấn đề này, Cha Alberione thật quá nhạy cảm đến nỗi chỉ một hành vi bất tuân phục nhỏ nhoi thôi thì cũng đủ làm cha mắc bệnh.

Không phải tại công việc, chính tội lỗi mới khiến Cha Alberione bị rối loạn. Cha là người đầu tiên có mặt tại nơi làm việc. Cha gợi hứng cho các người cộng sự của cha hăng say làm việc trong hết mọi lãnh vực, từ viết lách, in ấn cho đến việc phổ biến tài liệu. Tuy nhiên, thể tạng của Alberione rất yếu ớt. Khi Cha mắc bệnh lao phổi ít lâu sau khi bắt đầu công việc—khoảng giữa những năm 1923 và 1924—các bác sĩ đã tuyên bố cha chỉ sống được một năm rưỡi nữa thôi. Họ nói với Đức Giám mục: “Chẳng cứu được đâu, bệnh lao phổi sắp đưa cha đi rồi!”

Được chữa lành một cách lạ lùng, cha nói rằng cha mang ơn Thánh Phaolô, rồi lại tiếp tục công việc như không có gì xảy ra. “Chính Thánh Phaolô đã cứu chữa tôi!” Một niềm hân hoan trào dâng từ lòng biết ơn và cố gắng của cha càng tăng cao: Cha được chữa lành để có thể trao hiến mình hoàn toàn. Và Cha đã biết cách đáp ứng.

Không phải là cường điệu khi nói rằng Cha Alberione đã không khi nào để mất một giờ trong cuộc đời mình, và Cha luôn biểu lộ một sự chịu đựng ghê gớm trước mọi gian khổ, đau đớn thể xác và việc hãm mình đền tội.

Điều này cũng thật đúng ngay cả về những việc đền tội theo nghĩa chặt nhất của từ này, qua việc cha dùng một áo nhặm để tự hành xác. Chị nữ tu dọn phòng cho Cha Alberione thường thấy những dụng cụ đền tội của cha và chị đã đem giấu chúng trên nóc tủ. Thế nhưng đều đặn vào mỗi buổi sáng, chị lại thấy những dụng cụ kia nằm ở bên dưới chiếc gối ngủ của Cha.

Những việc đền tội khác của Cha Alberione là quỳ gối cầu nguyện lâu giờ mà không nhúc nhích (dù trên thực tế Cha bị bệnh viêm khớp xương sống), và ăn chay dài hạn.

Ít nhất mỗi tuần một lần, sau khi dâng Thánh lễ, Cha Alberione lui vào trong phòng riêng của cha và lưu lại đó cả ngày. Đôi lúc cha hành động như vậy suốt nhiều ngày liên tiếp. Sau đó, Cha lại trở về với lối sống thường nhật mà chẳng có chút dấu hiệu mỏi mệt hay sụt cân nào cả! Ngược lại, Cha rất tỉnh táo và lại còn có những năng lực và sáng kiến mới nữa.

Share:

Thursday, July 14, 2022

Tư tưởng của Cha Alberione — Về Cầu nguyện

Những lời của Cha Alberione về cầu nguyện tương hợp với thực hành cầu nguyện cá nhân sống động mà Cha thể hiện một cách mãnh liệt trong suốt cả đời. Tất cả những ai sống với Cha đều nhớ về Cha như một mẫu gương đầy ấn tượng ở điểm này.

Những lời của Cha về cầu nguyện trước hết nhắm đến các tu sĩ, cách riêng những ai được thánh hiến để làm việc tông đồ qua các phương tiện truyền thông xã hội. Theo Cha, họ đặc biệt cần có mối quan hệ mật thiết với Chúa để luôn giữ vững sức mạnh hoạt động tông đồ của mình. “Từ chiêm niệm đến hoạt động”.

Một trong những hình thức cầu nguyện chuyên biệt mà Cha Alberione đề nghị cách mạnh mẽ cho Gia đình Thánh Phao-lô là một giờ hằng ngày trước Chúa Giê-su Thánh Thể. Cha xem giờ này như một loại tiết học với Đức Ki-tô, Thầy Chí Thánh, Đấng là Đường, Sự Thật và Sự Sống.

Cha Alberione ước mong rằng một cách đặc biệt qua cuộc gặp gỡ này với Chúa, mỗi thành viên nhận thức rõ cốt yếu của linh đạo Thánh Phaolô: sự phát triển trọn vẹn của nhân vị nơi Đức Kitô, bắt chước Ngài bằng tất cả trí khôn, ý chí, trái tim và sức lực. Sự phát triển này diễn ra cho đến khi kinh nghiệm căn bản của Thánh Phao-lô trở thành sự thật: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là chính Đức Ki-tô sống trong tôi”.

  • Những ai không đặt việc cầu nguyện ở vị trí ưu tiên số một thì không đáng danh tu sĩ và thật sự không phải là tu sĩ. (UPS II 9)
  • Việc cầu nguyện đặt tất cả sự hiện hữu của ta trước Chúa: tâm trí, ý chí, trái tim, thân xác. Những lời cầu nguyện xuất phát từ những điểm tín lý nền tảng của Giáo Hội và nhằm mục đích hình thành người tông đồ – tu sĩ, trong lúc vẫn chứa đầy tình cảm đạo đức mãnh liệt. Người nào trở nên quen với việc cầu nguyện và trung thành với thực hành này sẽ dần dần được soi sáng, được củng cố và hướng dẫn trong linh đạo Thánh Phaolô. (CISP 697)
  • Lòng đạo đức chân chính thấm nhập toàn bộ sự hiện hữu của chúng ta để nâng nó lên tới tình yêu của Thiên Chúa. Nó muốn đạt được cứu cánh của giới răn thứ nhất: Hãy mến Chúa với hết trí khôn, hết tình cảm, hết ý chí của mình. (UPS I 183)
  • Linh hồn kết hiệp với Chúa chỉ nói ngôn ngữ của tình yêu. Tất cả lời cầu nguyện của linh hồn ấy là sự diễn tả tình yêu Thiên Chúa. Nếu linh hồn đó xin một ân sủng tạm thời, thì đó là xin trong mức độ ân sủng ấy phải tương hợp với vinh quang Thiên Chúa. Tình yêu là nền tảng cho mọi lời cầu nguyện của linh hồn. Linh hồn tôn thờ vì tình yêu, tạ ơn vì tình yêu, xin ơn tha thứ tội lỗi cũng là vì tình yêu. (Pr VT 13)
  • Nghĩa vụ quan trọng và trước hết của con người, của Ki-tô hữu, tu sĩ, linh mục, là cầu nguyện.
  • Không có sự đóng góp nào chúng ta có thể làm cho Hội dòng lớn hơn việc cầu nguyện. Không có công việc nào hữu ích cho chúng ta hơn việc cầu nguyện. Không có công việc nào của linh mục sinh lợi cho Giáo Hội hơn việc cầu nguyện.
    Vì thế, việc cầu nguyện phải là trước hết, trên hết, nó phải là sự sống của tất cả.
Share:

BTemplates.com